Để phát triển xe điện tiêu chuẩn, quy chuẩn cho trạm sạc chính là tiền đề
07/11/2022
Để xe điện có thể hoạt động hiệu quả, việc phải có một hệ thống trạm sạc đồng bộ với mật độ dày đặc là một trong những điều kiện quan trọng nhất. Để hình thành hạ tầng trạm sạc như vậy, việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trở thành vấn đề tiên quyết.
Xem thêm:
- CẦN TIẾP TỤC XÂY DỰNG, BỔ SUNG TIÊU CHUẨN VỀ XE ĐIỆN
- THỰC TRẠNG HỆ THỐNG TIÊU CHUẨN QUỐC GIA VÀ QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ XE ĐIỆN
- DỊCH VỤ THỬ NGHIỆM HIỆU SUẤT NĂNG LƯỢNG
- DỊCH VỤ THỬ NGHIỆM/ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ VÀ CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM, THIẾT BỊ SỬ DỤNG TIẾT KIỆM NƯỚC
(Theo VietQ) Dù hiện tại, xe điện nói chung và ô tô điện nói riêng mới chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ tại Việt Nam, song trước xu hướng chuyển dịch năng lượng của thế giới cùng với cam kết về mức phát thải ròng khí nhà kinh bằng 0 vào năm 2050, việc chuyển sang sử dụng xe điện thay cho xe chạy bằng xăng đã trở thành một hướng đi tất yếu mà Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc. “Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất phương tiện giao thông điện trong nước, đặc biệt đối với xe điện hai bánh. Các yếu tố cốt lõi của xe điện bốn bánh như động cơ điện, thân xe, lốp xe, thiết bị nội thất đều có thể được phát triển và sẵn sàng đáp ứng”, báo cáo “Nghiên cứu phát triển phương tiện giao thông điện tại Việt Nam” năm 2021 của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ nhận định.
Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn đối với việc phát triển xe điện vào thời điểm hiện tại là vấn đề về cơ sở hạ tầng sạc và pin. “Trạm sạc là hạ tầng quan trọng nhất dành cho phương tiện cơ giới đường bộ chạy bằng điện”, báo cáo nhấn mạnh, “điều quan trọng là phải sớm có các tiêu chuẩn, quy định liên quan đến phương tiện giao thông điện (bao gồm cả pin), cơ sở hạ tầng thiết bị dịch vụ (như trạm sạc) và vấn đề quản lý chất thải từ pin thải (tái chế, tái sử dụng và thải bỏ)”.
Khoảng trống tiêu chuẩn, quy chuẩn
Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), hiện nay nước ta đang có hơn 13.500 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia (TCVN) và có tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt hơn 60%. Trong đó, tại thời điểm năm 2021, có 39 TCVN áp dụng cho xe điện. Song, điều đáng chú ý là, “số lượng các TCVN hiện nay mới chỉ đảm bảo một phần yêu cầu cho xe điện và các bộ phận chính như: động cơ, ắc quy, pin của xe điện nói chung mà chưa đảm bảo được các yêu cầu phát sinh hay những thay đổi lớn trong thời gian gần đây như các tiêu chuẩn mới liên quan đến cuộc cách mạng về pin, về thời gian sạc, hay về các hệ thống điều khiển trong xe điện”, ông Triệu Việt Phương - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) từng cho biết tại hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam” được tổ chức vào năm ngoái.
Một trạm sạc xe điện của VinFast. Công ty này sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế và đặt mục tiêu phát triển hệ thống trạm sạc với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện trên toàn Việt Nam. Ảnh: Vinfast
Bên cạnh đó, các TCVN cũng chưa có những nội dung cụ thể như: yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện đối với hệ thống sạc nhanh; yêu cầu về an toàn khi vận chuyển, thay thế pin/ắc quy của xe điện; yêu cầu về tái chế đối với ắc quy, pin sau một thời gian sử dụng; yêu cầu và đặc tính của thiết bị nạp tự động;... “Việc hệ thống TCVN chưa đầy đủ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành sản xuất, lắp ráp xe điện và ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất của xe điện tại Việt Nam. Rõ ràng, các sản phẩm và phụ tùng sản xuất ra sẽ rất khó khăn trong quá trình tìm thị trường tiêu thụ và cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập”, ông Phương cho biết.
Thêm vào đó, đối với hệ thống quy chuẩn quốc gia (QCVN), hiện chỉ có 5 QCVN dành riêng cho xe điện và chưa có quy chuẩn cho ô tô điện. Đặc biệt, “trên thế giới hiện nay đã ghi nhận một số trường hợp xảy ra hỏa hoạn trong quá trình sạc xe điện. Tuy nhiên, hệ thống QCVN chưa có quy chuẩn kỹ thuật và an toàn cụ thể nào về tiêu chuẩn của thiết bị và hệ thống trạm sạc cũng như các yêu cầu an toàn trong quá trình sạc đối với các loại thiết bị trên”, ông Phương nói. Điều này sẽ dẫn đến những thách thức trong việc phát triển hiệu quả các thiết bị và trạm sạc công cộng - vốn đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, “trong khi đây chính là cơ sở hạ tầng thiết yếu để mở rộng và phát triển ngành công nghiệp xe điện hiện nay ở Việt Nam”.
Những gì đã diễn ra ở Úc có thể là một minh chứng tiêu biểu cho tác động của việc thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn. Theo một bài báo năm 2019 của The Guardian, việc thiếu hụt các chính sách và tiêu chuẩn đồng bộ cho các cấu phần của trạm sạc đã dẫn đến sự đình trệ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho ô tô điện. “Điều này khiến cho các công ty xe điện bối rối và tự hỏi họ sẽ phải làm gì đây?”, Behyad Jafari - Giám đốc Điều hành của Hội đồng xe điện cho biết. Và do Úc không có tiêu chuẩn rõ ràng như vậy, các nhà sản xuất toàn cầu cũng không có hướng dẫn để sản xuất ô tô phù hợp cho thị trường Úc.
Ý thức được vấn đề này, vào tháng sáu năm nay, Mỹ - thị trường tiêu thụ xe điện lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và châu Âu - đã đề xuất tiêu chuẩn đồng bộ hóa hệ thống trạm xe điện trên toàn quốc trong chương trình phát triển hạ tầng trạm sạc với nguồn kinh phí tài trợ 5 tỷ USD của chính phủ. Với tiêu chuẩn này, mục tiêu của Mỹ là thiết lập nền tảng để các bang có thể xây dựng trạm sạc thu phí đáp ứng nhu cầu của tất cả các tài xế, bất kể vị trí, thương hiệu xe điện hay công ty thu phí. Đây là một điều mà từ trước đến nay vẫn còn là “mong ước” của các tài xế Mỹ bởi thị trường này lưu hành rất nhiều loại xe từ các hãng khác nhau như Tesla, Volkswagen Hyundai, BMW, Ford,... Với đề xuất tiêu chuẩn mới, các trạm sạc sẽ cần sử dụng bộ sạc nhanh DC có ít nhất bốn cổng có khả năng sạc đồng thời bốn xe điện, mỗi cổng phải có công suất từ 150 kW trở lên. Bên cạnh đó, mạng lưới các trạm sạc sẽ phải thống nhất về hệ thống thanh toán, thông tin giá cả và tốc độ sạc. Không chỉ giúp các tài xế dễ dàng sử dụng, việc đồng bộ hóa các trạm sạc như vậy cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thương hiệu xe điện ra mắt sau nhờ gỡ bỏ được yêu cầu phải có trạm sạc riêng cho loại xe đó.
Hệ thống tiêu chuẩn trạm sạc của Ủy ban Kỹ thuật điện Quốc tế. Ảnh: UL
Từng bước hoàn thiện
Mặc dù đã có những cố gắng nỗ lực của các bộ, ngành trong thời gian qua khi một số tiêu chuẩn quốc gia về xe điện đã được xây dựng và công bố, song có thể thấy “số lượng TCVN và QCVN đối với xe điện vẫn còn thiếu và rõ ràng là chưa đồng bộ so với hệ thống tiêu chuẩn đang lưu hành trên thế giới về xe điện”, theo ông Triệu Việt Phương. “Điều này đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng, cập nhật bổ sung thêm trên cơ sở mức độ hài hòa lớn hơn đối với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế. Việc cập nhật, bổ sung này cũng sẽ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, lắp ráp xe điện tại Việt Nam”, ông nhận định.
Những nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu như vậy cũng đã đang được thực hiện. Tháng bảy vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, chương trình này đã đặt ra lộ trình giai đoạn 2022 - 2030 sẽ phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, và giai đoạn 2031 - 2050 sẽ hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc
Chia sẻ tại lễ kỷ niệm ngày tiêu chuẩn thế giới vừa qua, bà Đoàn Thị Thanh Vân - Thư ký Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia, Trưởng phòng Tiêu chuẩn Điện, điện tử (Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam) cho biết, Tổng cục TCĐLCL đã chủ động nghiên cứu các bộ phận, cấu thành trong hệ thống trạm sạc và đã có định hướng để xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia.
Tổng cục TCĐLCL sẽ nghiên cứu, xây dựng, soát xét các tiêu chuẩn về trạm sạc IEC 61851, dây và cáp sạc, thiết bị bảo vệ cá nhân trong trạm sạc, thiết bị đo và hỗ trợ tính phí, hệ thống lắp đặt điện từ trạm sạc đến lưới điện, tủ điện, bảng điện cho trạm sạc,...
Để thực hiện kế hoạch này, Tổng cục cũng đã thành lập ba Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, gồm: TCVN/TC E1 Máy điện và khí cụ điện, TCVN/TC E4 Dây cáp điện, TCVN/TC E16 Hệ thống truyền năng lượng cho xe điện.
“Việc thiếu cơ sở hạ tầng sạc đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường phương tiện giao thông điện, do đó, thị trường này sẽ không mấy tiến triển trừ khi Chính phủ Việt Nam xây dựng một kế hoạch lâu dài và toàn diện đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng sạc”, báo cáo của GIZ nhấn mạnh. Tất nhiên, tiêu chuẩn cho trạm sạc mới chỉ là một phần trong rất nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan nguồn điện, lưới điện, chính sách, quy mô thị trường,.. trong hành trình để xe điện thay thế các xe chạy xăng truyền thống.
Chẳng hạn, Trung Quốc với tổng số xe điện hiện vượt qua con số 10 triệu xe đã gặp một “cuộc khủng hoảng” trong đợt nắng nóng kỷ lục vào mùa hè vừa qua. Trước tình trạng nguồn cung điện thiếu tin cậy, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hạn chế đối với việc sạc xe điện để ưu tiền các nhu cầu điện hằng ngày quan trọng hơn. Điều này khiến cho hàng dài xe điện phải xếp hàng chờ ngoài trạm sạc ngay cả sau nửa đêm và các tài xế taxi điện bị ảnh hưởng nặng nề vì cuộc sống mưu sinh phụ thuộc vào xe điện. “Tưởng như Trung Quốc đã có một cơ sở hạ tầng sạc tương đốt tốt, nhưng khi một sự kiện gì đó - chẳng hạn như lệnh hạn chế sạc được đưa ra - thì các vấn đề mới được phơi bày”, Lei Xing, nhà phân tích ngành công nghiệp ô tô, chia sẻ với MIT Technology Review.
Nguồn: https://vietq.vn/tieu-chuan-quy-chuan-cho-tram-sac-tien-de-de-phat-trien-xe-dien-d205253.html
Bài viết liên quan
Thông báo về việc thay đổi mẫu con dấuTRUNG TÂM KỸ THUẬT TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG 1 VÀ TRUNG TÂM ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC
Hợp tác Việt – Đức về quang điện, thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững
Tiêu chuẩn quốc gia về thịt trâu, thịt bò mát nâng tầm công nghiệp chế biến
Lợi ích của doanh nghiệp khi đạt chứng nhận nhận ISO 28001 - Hệ thống quản lý bảo mật chuỗi cung ứng