Choáng váng tại chợ đầu mối TP.HCM gần 50% mẫu rau quả có dư lượng hóa chất
09/12/2022
Gần 50% mẫu rau quả ở các chợ đầu mối TP.HCM có dư lượng hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản chứa kim loại nặng, nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép.
Đó là thông tin từ kết quả kiểm tra của Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM gây choáng váng nhiều người. Nhìn rộng ra thị trường tiêu dùng thực phẩm trong nước ở các địa phương khác càng đáng lo hơn.
Xem thêm:
Không thể phủ nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm với các chuỗi an toàn, công nghệ truy xuất nguồn gốc, quản lý mã số vùng trồng, áp dụng mã vạch thực phẩm, dán nhãn sản phẩm OCOP.
Nhưng trong thực tế, hệ thống quản lý tầng tầng lớp lớp, nhiều cấp, nhiều ngành liên quan đến "cánh cổng sức khỏe" của người dân vẫn đang xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn "rờ đâu rầu đó", thành "chuyện thường ngày ở chợ".
Ai cũng biết việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; sử dụng các chất phụ gia, hóa chất, phẩm màu ngoài danh mục trong chế biến, dùng vật liệu gây hại đóng gói, bao bì thực phẩm gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng;
nhưng nhiều nơi lại kiểm tra, xử lý không thường xuyên, làm chiếu lệ, thậm chí còn bưng bít thông tin, sợ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, mua bán, xuất khẩu.
Phải chăng đang có khoảng trống trách nhiệm hay vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan liên quan trong việc xử lý?
Mỗi cơ quan thực thi trong phạm vi nhiệm vụ quản lý, nhưng mỗi người dân có quyền yêu cầu về chất lượng cuối cùng của công tác phối hợp để đảm bảo mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt.
Cần có thêm nhiều quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm khắc hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý, người đứng đầu, cơ sở kinh doanh, các siêu thị, nhà bán buôn, bán lẻ khi để xảy ra thực phẩm bẩn gây ngộ độc.
Một xã hội mà người tiêu dùng luôn bất an, lo sợ dùng phải thực phẩm bẩn thì lấy đâu chỗ dựa niềm tin để tạo ra sức cầu cho sản xuất và thương mại?
Yêu cầu đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe người dân không thể bằng lời kêu gọi lòng hảo tâm, sự kinh doanh tử tế mà phải bằng công cụ quản lý, bằng pháp luật, chế tài, ứng dụng tốt công nghệ và tổ chức liên kết các chuỗi giá trị thực phẩm an toàn từ vùng trồng về đến chợ, lên bàn ăn người dân.
Tăng cường, chấn chỉnh, khắc phục hậu quả ngay sau khi có thiệt hại xảy ra là cần thiết, nhưng kiến tạo cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, thực hiện nghiêm, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để không xảy ra sai phạm còn quan trọng hơn nhiều.
Không giải quyết vấn đề gốc rễ này thì việc tăng cường kiểm tra, xử phạt, xử lý các vụ thực phẩm bẩn cũng chỉ là "vuốt ở phần ngọn" mà thôi.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, GPS, ứng dụng viễn thám, điện toán đám mây, mạng Internet tích hợp, smartphone, thương mại điện tử ở nước ta thời gian gần đây đã cung cấp các nền tảng công nghệ tốt hơn cho nhiều ứng dụng số.
Theo đó, cần sử dụng rộng rãi công nghệ số, mã vạch giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng nông sản bày bán tại các chợ, siêu thị.
Thực tế đang đòi hỏi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải mạnh tay hơn nữa với các kiểu gây bẩn thực phẩm để trục lợi, làm tổn hại sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Phải thiết lập một "hàng rào bảo vệ" thực phẩm sạch, an toàn từ đồng ruộng, đường đi của các loại nông sản đến thực phẩm trên bàn ăn người tiêu dùng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/choang-vang-khi-gan-50-mau-rau-qua-o-cho-dau-moi-tp-hcm-co-du-luong-hoa-chat-20220718073920536.htm
Bài viết liên quan
Thông báo về việc thay đổi mẫu con dấuTRUNG TÂM KỸ THUẬT TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG 1 VÀ TRUNG TÂM ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC
Hợp tác Việt – Đức về quang điện, thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững
Tiêu chuẩn quốc gia về thịt trâu, thịt bò mát nâng tầm công nghiệp chế biến
Lợi ích của doanh nghiệp khi đạt chứng nhận nhận ISO 28001 - Hệ thống quản lý bảo mật chuỗi cung ứng