Vi phạm kinh doanh xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp: Đâu là gốc rễ vấn đề?

13/09/2023

Theo lực lượng Quản lý thị trường, thời gian gần đây đã phát hiện nhiều cơ sở, doanh nghiệp vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu, niêm yết giá, đặc biệt về chất lượng.

Xăng dầu là mặt hàng có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống, kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. Bộ Công Thương và Tổng Cục Quản lý thị trường liên tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trong việc kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh xăng dầu nhằm mục đích ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm hành chính đảm bảo các hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn ra theo đúng sự vận hành của Nhà nước.

Tuy nhiên hiện nay, bên cạnh các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, vẫn còn tồn tại không ít doanh nghiệp, cửa hàng cố tình vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh, niêm yết giá, đặc biệt về đo lường, chất lượng.

Nhiều doanh nghiệp, thương nhân phân phối xăng dầu bị xử phạt và tước giấy phép

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 25/11/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2528/QĐ-BCT về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2023. Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường đã được giao thực hiện thanh tra đối với 86 thương nhân phân phối xăng dầu.

Cụ thể, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường đã thực hiện thanh tra chuyên ngành về xăng dầu 83/86 cuộc, đạt 96,5% theo kế hoạch. Số cuộc thanh tra đã ban hành kết luận: 75/83, đạt 90,3%. Qua thanh tra, lực lượng Quản lý thị trường đã xử phạt vi phạm hành chính: 6.729.175.000 đồng đối với 64 đối tượng thanh tra. Số tiền thu được từ số lợi bất hợp pháp: 1.540.145.712 đồng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 8,8 tỷ đồng.

Qua công tác thanh tra chuyên ngành, Tổng cục Quản lý thị trường phát hiện nhiều thương nhân phân phối xăng dầu vi phạm trong quá trình kinh doanh, các hành vi vi phạm phổ biến gồm: Mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối theo quy định; Ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân kinh doanh xăng dầu trong thời gian thương nhân đó đang là đại lý của thương nhân đầu mối khác hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khác hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu khác: 23/64 đối tượng bị xử phạt, chiếm 36%.

Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định và gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối (đối với loại hình thương nhân phân phối xăng dầu): 31/64 đối tượng bị xử phạt, chiếm 51,7%.

Vi phạm trong kinh doanh xăng dầu vẫn phức tạp với thủ đoạn tinh vi. Ảnh minh họa

Sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định; sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định (đối với các loại hình thương nhân khác): 25/64 đối tượng bị xử phạt, chiếm 41,7%.

Nhiều doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối (cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc, cửa hàng bán lẻ xăng dầu của đại lý không đủ theo quy định): 17/64 đối tượng bị xử phạt, chiếm 26,5%.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu (trong đó, số lượng vụ việc kiểm tra tăng 200 vụ, đạt 120% so với cùng kỳ năm 2022; số lượng vụ việc xử lý tăng hơn 110 vụ, đạt 158% so với cùng kỳ năm 2022; số tiền xử phạt vi phạt hành chính tăng hơn 5,6 tỷ đồng, đạt hơn 195% so với cùng kỳ năm 2022).

Đặc biệt, Quản lý thị trường đã xử phạt hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành vi phạm hành chính và thực hiện hình thức xử phạt bổ sung “Tước Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng” đối với 16 thương nhân phân phối xăng dầu, cụ thể:

Công ty TNHH Một thành viên Điện Hiền (Cần Thơ); Công ty TNHH Southern Energy (Cần Thơ); Công ty TNHH Xăng dầu - Khí hóa lỏng Hậu Giang (Trà Vinh);  Công ty cổ phẩn xăng dầu HFC (Hà Nội); Công ty TNHH Xăng dầu Xanh (TP. HCM);  Công ty TNHH Dũng Đại Dương (Phú Thọ); Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Bình Minh Phát (Nam Định); Công ty cổ phần đầu tư thương mại Minh Hiếu (Nam Định); Công ty Công ty cổ phần Phát triển Thương mại Thái Nguyên.; Công ty TNHH Xăng dầu Lan Phượng (Đồng Nai); Công ty TNHH Vận tải Sông biển Diệp Dũng (Quảng Ninh); Công ty cổ phần Vân Đồn Đ&T (Quảng Ninh); Công ty TNHH một thành viên du lịch, thương mại xăng dầu Châu Loan (Đồng Nai); Công ty Cổ phần Halo Mobil (Quảng Ninh); Công ty TNHH DK Hoàng Dương; Công ty Cổ phần thương mại Gia Trang (Hải Phòng).

Nhiều cơ sở vi phạm về chất lượng, kinh doanh không có giấy phép

Tại Bình Dương, với hành vi vi phạm "bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng" ngày 6/5/2023 Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đã trình UBND tỉnh xem xét, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần Sao Mai Sài Gòn với số tiền gần 885 triệu đồng. 

Tại TP.HCM, ngày 30/6, Tổng cục Quản lý Thị trường đã giám sát việc buộc tái chế 10.119 lít xăng RON 95-III có chất lượng không phù hợp theo quy định đối với địa điểm kinh doanh Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp - Trạm xăng dầu Quận 12 đồng thời xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu với cửa hàng này số tiền hơn 200 triệu đồng.

Tại Hà Nội, vào ngày 10/8/2023 Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên 300 triệu đồng đối với một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vi phạm về chất lượng đối với·Doanh nghiệp Nhật Tuấn có địa chỉ trụ sở chính tại thôn Đại Định, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội. Số tiền bị xử phạt cụ thể là 333.148.725 đồng về hành vi bán hàng hóa (xăng RON95-III) có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Cũng trong tháng 8/2023, Cục QLTT tỉnh Nam Định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp Công ty TNHH HA tại địa bàn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đang kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực. 

Tại tỉnh Đắk Lắk qua kiểm tra đột xuất 9 cơ sở bán lẻ xăng dầu trên địa bàn phát hiện 7 cơ sở vi phạm gồm: Doanh nghiệp tư nhân thương mại Hoàng Hiệp tại thôn 3, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng 25 triệu đồng; Cửa hàng xăng dầu Thanh Xuân - Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Thanh Xuân tại xã Ea Wy, huyện Ea H’leo 45 triệu đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn và dịch vụ thương mại Thanh Mai tại thôn 7, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo 30 triệu đồng; Xí nghiệp thương mại dịch vụ tổng hợp - Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cao-su Krông Búk (thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu) 25 triệu đồng; Cửa hàng bán lẻ xăng dầu 719-Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng Phú Sơn tại thôn 8A, xã Ea Kly, huyện Krông Pắc 7,5 triệu đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Bích Đào tại buôn A Lê Lai, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk 15 triệu đồng và Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Phát Lộc tại thôn 1, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo với số tiền 15 triệu đồng.

Việc áp dụng quản lý chất lượng chưa nghiêm, chưa có ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng nhiều nhiều thương nhân kinh doanh xăng dầu vẫn vi phạm là do chưa có ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định về việc xây dựng, duy trì điều kiện về hệ thống phân phối; Thực hiện đăng ký, đăng ký điều chỉnh hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong kinh doanh xăng dầu còn chưa chấp hành nghiêm. Tại nhiều thời điểm, bất cập liên quan đến chiết khấu, hoa hồng đại lý còn thấp trong khi chi phí vận chuyển, nhân công, vận hành cao dẫn đến các vi phạm về thời gian bán hàng.

Tại một số thời điểm, ở một số nơi, công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, về các dấu hiệu thực hiện hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu giữa các cấp, ngành, giữa các lực lượng còn nhiều hạn chế do chưa có sự liên thông về dữ liệu điện tử, nhiều khi mang tính hình thức, chưa được quan tâm đúng mức, thiếu hiệu quả trong phối hợp.

Đáng lưu ý, trong quá trình kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường phát hiện nhân viên bán xăng có tác động vào cấu trúc kỹ thuật của phương tiện đo làm sai lệch kết quả; bán xăng, dầu ngoài hệ thống,...Trong đó có một số hành vi nghiêm trọng như: bán xăng, dầu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; sử dụng phương tiện đo không có chứng chỉ kiểm định.

Thậm chí, có tình trạng một vài nhân viên bán hàng lợi dụng giờ cao điểm cũng như khâu quản lý lỏng lẻo để bơm “nối số” giữa các lần bơm, không niêm yết giá, tự ý điều chỉnh giá, cố ý che bảng thông tin cột bơm,... nhằm trục lợi bất chính, gây bất bình cho người tiêu dùng.

Tinh vi hơn, một số cửa hàng sử dụng cả thiết bị điều khiển từ xa để can thiệp vào phần mềm của phương tiện đo trên một trụ bơm xăng, sau đó lập trình điều chỉnh sai số phương tiện đo thông qua IC (vi mạch) trên bo mạch chính của phương tiện đo. Với việc can thiệp bằng công nghệ cao vào thiết bị đo như trên có thể gây sai số trong quá trình bơm xăng dầu từ 7,6% đến 9,3% nhằm gian lận về số lượng và giá tiền của người mua, trong khi mức độ sai số cho phép chỉ là 0,5%. Do không tác động vật lý vào trụ bơm cho nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện hành vi vi phạm bởi tại các vị trí dán tem niêm phong, kẹp chì của cơ quan đo lường trên trụ bơm còn giữ nguyên vẹn.

Để giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và nội dung trong Công điện số 383/CĐ-BCT ngày 20/1/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu hoặc vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

Phải kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng tình hình nguồn cung bị đứt gãy cục bộ để sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.

QCVN 01:2022/BKHCN- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học

Quy chuẩn kỹ thuật này quy định mức giới hạn đối với các chỉ tiêu kỹ thuật liên quan đến an toàn: sức khỏe, môi trường và các yêu cầu về quản lý chất lượng đối với các loại xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học, bao gồm: Xăng không chì, xăng E5, xăng E10; Nhiên liệu điêzen, nhiên liệu điêzen B5;

Các loại phụ gia sử dụng để pha xăng không chì, xăng E5, xăng E10, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu điêzen B5 phải đảm bảo phù hợp với các quy định về an toàn, sức khoẻ, môi trường và không được gây hư hỏng cho động cơ và hệ thống tồn trữ, vận chuyển và phân phối nhiên liệu.

Việc sử dụng phụ gia không thông dụng để sản xuất và pha chế xăng không chì, xăng E5, xăng E10, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu điêzen B5 phải được đăng ký và chấp thuận theo quy định tại Thông tư 15/2009/TT-BKHCN ngày 02/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký việc sử dụng phụ gia không thông dụng để sản xuất, pha chế xăng và nhiên liệu điêzen.

Xăng không chì, xăng E5, xăng E10 có chứa hợp chất oxygenat như là phụ gia thì hàm lượng các hợp chất oxygenat trong xăng không chì, xăng E5, xăng E10 phải tuân thủ quy định.

An Dương
Nguồn:https://vietq.vn/vi-pham-trong-kinh-doanh-xang-dau-van-khong-ngung-tang-nguyen-nhan-do-dau-d214043.html 

Bài viết liên quan

Sửa đổi bổ sung nhóm sản phẩm chiếu sáng bằng công nghệ Led
TRUNG TÂM KỸ THUẬT TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG 1 VÀ TRUNG TÂM ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC
Hợp tác Việt – Đức về quang điện, thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững
Tiêu chuẩn quốc gia về thịt trâu, thịt bò mát nâng tầm công nghiệp chế biến
Lợi ích của doanh nghiệp khi đạt chứng nhận nhận ISO 28001 - Hệ thống quản lý bảo mật chuỗi cung ứng