Hướng tới hoàn thiện hệ thống TCVN về xe điện ở Việt Nam
09/03/2023
Thời gian tới, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về xe điện, thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.
Tiêu chuẩn cho xe điện: Có nhưng chưa đủ
Theo ông Triệu Việt Phương, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục TCĐLCL), tiêu chuẩn là tiền đề rất quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại để hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ hơn với quốc tế và khu vực.
Trước sự phát triển của xe điện ở Việt Nam hiện nay, đòi hỏi phải có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đầy đủ, hài hoà với các hệ thống tiêu chuẩn trong khu vực và trên thế giới, phục vụ kịp thời nhu cầu của các nhà sản xuất, nhập khẩu, bảo vệ người tiêu dùng,… Bên cạnh đó, việc có hệ thống TCVN đầy đủ sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý chất lượng đối với xe điện.
Tổng số TCVN đang áp dụng cho các phương tiện cơ giới đường bộ là 260, trong đó ô tô có 140 tiêu chuẩn, mô tô xe máy 102 tiêu chuẩn và xe đạp 18 tiêu chuẩn. Trong các TCVN trên thì có 39 TCVN áp dụng cho xe điện. Hệ thống TCVN được biên soạn bởi nhiều cơ quan QLNN, xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế và quy định pháp luật Việt Nam, cùng sự tham gia đóng góp của các chuyên gia, tổ chức… Vì vậy hệ thống TCVN được xây dựng đảm bảo về chất lượng cũng như được hài hòa với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn khu vực.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả to lớn, tuy nhiên, thời gian qua, việc xây dựng các tiêu chuẩn vẫn còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục. Bên cạnh đó có một số nội dung TCVN chưa đề cập đến, chưa đảm bảo được các yêu cầu phát sinh, thay đổi lớn trong thời gian gần đây.
Ảnh minh hoạ
Một số hạn chế, nội dung TCVN chưa đề cập đến như: Yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện đối với hệ thống sạc nhanh; Yêu cầu về an toàn khi vận chuyển, thay thế pin/ắc quy của xe điện; Thuật ngữ và phân loại các mức độ của xe tự lái; Yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu an toàn đối với xe tự lái; Yêu cầu về kỹ thuật và yêu cầu về thử nghiệm đối với hệ thống điều khiển trong quá trình vận hành; Yêu cầu về tái chế đối với ắc quy, pin sau một thời gian sử dụng; Yêu cầu và đặc tính của thiết bị nạp tự động; Phương pháp thử nghiệm để đánh giá hiệu năng của hệ thống phanh tái sinh; Yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu an toàn xe buýt điện… Việc hệ thống TCVN chưa đầy đủ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành sản xuất, lắp ráp xe điện và ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất của xe điện.
Song song với hệ thống TCVN, Việt Nam hiện có 21 QCVN quy định đối với xe điện, trong đó có 16 QCVN dùng chung với phương tiện ô tô, xe mô tô, xe gắn máy có 5 QCVN dành riêng cho xe điện. Hệ thống QCVN ban hành đưa ra quy định cho động cơ, ắc quy sử dụng cho xe mô tô, xe máy điện và kết hợp với một số QCVN chung về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối phương tiện giao thông chung. Các QCVN đó chưa bao quát được hết các vấn đề về chất lượng, an toàn phương tiện cho người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy và xe điện. Bên cạnh đó, trong thời gian tới sẽ có một số nhà máy sản xuất xe buýt, xe con chạy điện nhưng hiện tại chưa có QCVN nào cụ thể cho các dòng xe này.
Rà soát, hoàn thiện chính sách về xe điện
Ông Triệu Việt Phương nhấn mạnh, thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách về phát triển xe điện ở Việt Nam như: Xây dựng chiến lược, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư công nghệ, ban hành các cơ chế thúc đẩy sự tham gia đóng góp, tạo động lực nghiên cứu, phát triển hệ thống TCVN vì lợi ích chung của xã hội; Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến hệ thống TCVN đã có đến cộng đồng nhằm đưa tiêu chuẩn vào thực tế đời sống, thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời cũng cần sự vào cuộc chủ động, đồng hành nhiều hơn từ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe điện, trang thiết bị thử nghiệm, đánh giá xe, trạm, trụ sạc,… để có được nguồn lực mạnh, đủ khả năng rà soát, cập nhật và bổ sung, xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVN về xe điện ở Việt Nam.
Ngoài ra, trong quá trình hoàn thiện hệ thống TCVN về xe điện cần tiếp tục ưu tiên phát triển các TCVN về hệ thống trạm sạc, hệ thống sạc nhanh, trạm đổi pin… để có thể sớm đưa ra các yêu cầu kỹ thuật và an toàn của các thiết bị và trạm sạc vào quản lý, giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả, an toàn điện trong quá trình sử dụng.
Cùng chia sẻ về vấn đề trên, bà Đoàn Thị Thanh Vân, Thư ký Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia, Trưởng phòng Tiêu chuẩn Điện, điện tử (Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam) cho biết, Tổng cục TCĐLCL đã chủ động nghiên cứu các bộ phận, cấu thành trong hệ thống trạm sạc và đã có định hướng để xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia.
Để thực hiện kế hoạch này, Tổng cục cũng đã thành lập ba Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, gồm: TCVN/TC E1 Máy điện và khí cụ điện, TCVN/TC E4 Dây cáp điện, TCVN/TC E16 Hệ thống truyền năng lượng cho xe điện. Tổng cục TCĐLCL sẽ nghiên cứu, xây dựng, soát xét các tiêu chuẩn về trạm sạc IEC 61851, dây và cáp sạc, thiết bị bảo vệ cá nhân trong trạm sạc, thiết bị đo và hỗ trợ tính phí, hệ thống lắp đặt điện từ trạm sạc đến lưới điện, tủ điện, bảng điện cho trạm sạc,…
Hệ thống TCVN của Việt Nam hiện có khoảng 13.000 TCVN (bao gồm cả các TCVN về xe điện) với mức độ hài hòa chung với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60%. Hệ thống TCVN và QCVN về xe điện là công cụ hỗ trợ trong công tác quản lý nhà nước, định hướng cho các nhà sản xuất và lắp ráp, cho ngành công nghiệp phụ trợ và góp phần bảo vệ người tiêu dùng đối với các sản phẩm xe điện. |
Theo VietQ
Bài viết liên quan
Thông báo về việc thay đổi mẫu con dấuTRUNG TÂM KỸ THUẬT TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG 1 VÀ TRUNG TÂM ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC
Hợp tác Việt – Đức về quang điện, thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững
Tiêu chuẩn quốc gia về thịt trâu, thịt bò mát nâng tầm công nghiệp chế biến
Lợi ích của doanh nghiệp khi đạt chứng nhận nhận ISO 28001 - Hệ thống quản lý bảo mật chuỗi cung ứng