Giảm thiểu lãng phí giúp nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp

12/07/2023

Lãng phí mang ý nghĩa sử dụng các nguồn lực chưa hợp lý, ảnh hưởng và làm giảm chất lượng cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng và các bên liên quan. Bởi vậy, giảm thiểu lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh luôn là giải pháp được xem xét khi thực hiện các chương trình cải tiến năng suất tại doanh nghiệp.

(theo VietQ) Hiện nay, cải tiến năng suất để nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng thêm lợi nhuận là vấn đề đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Trong đó, giảm thiểu lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh luôn là giải pháp được xem xét khi thực hiện các chương trình cải tiến năng suất tại doanh nghiệp.

Theo Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm chống lãng phí ngày 26/2/1998 thì “Lãng phí là sử dụng nguồn lực tài chính, lao động và các nguồn lực khác vượt quá mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc hoặc sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ, nhưng chất lượng đạt thấp hơn hoặc không đúng mục tiêu đã xác định”. Lãng phí còn mang ý nghĩa sử dụng các nguồn lực chưa hợp lý, ảnh hưởng và làm giảm chất lượng cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng và các bên liên quan.

 Doanh nghiệp cần hạn chế sản xuất dư thừa bởi đây là loại lãng phí nguy hiểm nhất trong nhóm 7 loại lãng phí. Ảnh minh họa.

Có nhiều phương pháp tiếp cận và loại bỏ lãng phí trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận loại bỏ lãng phí theo sản xuất tinh gọn Lean là tương đối đơn giản và dễ hiểu. Dựa trên cách tiếp cận này, lãng phí trong sản xuất, kinh doanh được phân thành 7 loại, bao gồm: Lãng phí do Sai lỗi/ Khuyết tật (Defect), Sản xuất dư thừa ( Over Production), Tồn kho (Inventory), Thao tác (Motion), Vận chuyển ( Transportation), Chờ đợi (Waiting), Gia công/xử lý thừa (Over processing). Cụ thể như sau:

Lãng phí sai lỗi/ khuyết tật: Sai lỗi/ khuyết tật là sai sót bất kỳ của sản phẩm hay dịch vụ trong việc đáp ứng một trong số những quy định của khách hàng hay đối tác. Một sản phẩm lỗi có thể có một hay nhiều lỗi. Bên cạnh các sai lỗi về mặt vật lý trực tiếp làm tăng chi phí, sai lỗi cũng bao gồm các sai sót về giấy tờ, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, giao hàng trễ, sản xuất sai quy cách, sử dụng quá nhiều nguyên vật liệu hay tạo ra phế liệu không cần thiết,...

Lãng phí sản xuất dư thừa: Sản xuất dư thừa tức sản xuất nhiều hơn hay quá sớm hơn mức được yêu cầu một cách không cần thiết, vào thời điểm chưa cần thiết và với số lượng không cần thiết. Điều này xảy ra khi sản xuất những loại sản phẩm, mà những sản phẩm này không có được đơn đặt hàng. Sản xuất dư thừa là loại lãng phí nguy hiểm nhất trong nhóm 7 loại lãng phí vì nó có khả năng gây ra các dạng lãng phí khác.

Lãng phí tồn kho: Tồn kho là tất cả những nguồn lực dự trữ nhằm đáp ứng cho nhu cầu hiện tại hoặc tương lai và tồn kho là cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ. Hàng tồn kho không chỉ có tồn kho thành phẩm mà còn có tồn kho sản phẩm dở dang, tồn kho nguyên vật liệu/linh kiện và tồn kho công cụ dụng cụ dùng trong sản xuất,... Thường thường, bộ phận bán hàng muốn nâng cao mức tồn kho để có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng; bộ phận sản xuất cũng mong muốn có một lượng tồn kho lớn để có nhiều thuận lợi hơn trong lập kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên, đối với bộ phận kế toán, tài chính thì lại muốn hàng tồn kho được giữ ở mức thấp nhất, bởi vì tiền nằm ở hàng tồn kho sẽ không chi tiêu vào mục khác được. Do dó, kiểm tra tồn kho là việc làm không thể thiếu được, qua đó doanh nghiệp có thể giữ luợng tồn kho ở mức “vừa đủ”. Có nghĩa là không “quá nhiều” mà cũng không “quá ít”.

Lãng phí thao tác, chuyển động: Lãng phí do thao tác là những động tác, chuyển động không cần thiết của người lao động trong hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ, sẽ tạo ra sự lãng phí và làm chậm tốc độ của người lao động, gây nên sự lãng phí về thời gian, sức lực và năng suất làm việc của người lao động. Đó là các chuyển động tay chân hay việc đi lại không cần thiết của các công nhân mà không gắn liền với việc gia công sản phẩm. Chẳng hạn như việc đi lại khắp xưởng để tìm dụng cụ làm việc hay thậm chí các chuyển động cơ thể không cần thiết hay bất tiện do quy trình thao tác được thiết kế kém làm chậm tốc độ làm việc của công nhân.

Lãng phí gia công/xử lý thừa: Gia công/xử lý thừa trong sản xuất là các hành động khắc phục, phòng ngừa, giải quyết các vấn đề không phù hợp phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh; hoặc là gia công vượt quá yêu cầu của khách hàng, bao gồm sử dụng các thành phần phức tạp hơn so với yêu cầu, hay gia công với chất lượng vượt yêu cầu, chẳng hạn như đánh bóng bề mặt quá mức hoặc tại vị trí không cần thiết; hoặc là gia công/xử lý thừa trong sản xuất được thực hiện khi một việc phải được làm lại bởi vì nó không được làm đúng trong lần đầu tiên. Gia công/xử lý thừa không chỉ gây nên việc sử dụng lao động và thiết bị kém hiệu quả mà còn làm gián đoạn luồng sản xuất thông thoáng dẫn đến những ách tắc và đình trệ trong quy trình. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến sửa chữa thường tiêu tốn một khối lượng thời gian đáng kể của cấp quản lý và vì vậy làm tăng thêm chi phí quản lý sản xuất chung.

Lãng phí vận chuyển: Vận chuyển là việc chuyên chở hoặc di dời nguyên liệu, phụ tùng, các bộ phận lắp ráp, hay thành phẩm từ một nơi này đến nơi khác để thực hiện một công việc nào đó. Lãng phí do vận chuyển ở đây là nói đến bất kỳ sự chuyển động nào của nguyên vật liệu mà không tạo ra giá trị tăng thêm cho sản phẩm chẳng hạn như việc vận chuyển nguyên vật liệu giữa các công đoạn sản xuất. Việc di chuyển giữa các công đoạn xử lý làm kéo dài thời gian chu kỳ sản xuất, dẫn đến việc sử dụng lao động và mặt bằng kém hiệu quả và có thể gây nên những đình trệ trong sản xuất.

Lãng phí chờ đợi: Lãng phí này thường gặp ở các đơn vị sản xuất như một công nhân hay một thiết bị không thể tiến hành công việc của mình do phải chờ một hoạt động khác kết thúc hoặc phải chờ nguyên vật liệu chuyển đến. Chờ đợi là thời gian công nhân hay máy móc nhàn rỗi bởi sự tắc nghẽn hay luồng sản xuất trong xưởng thiếu hiệu quả. Lãng phí do chờ đợi đó là lãng phí khoảng thời gian chờ đợi những thứ như vật liệu, nhân lực, máy móc thiết bị, bán thành phẩm, thành phẩm,... Việc chờ đợi làm tăng thêm chi phí đáng kể do chi phí nhân công và khấu hao trên từng đơn vị sản lượng bị tăng lên. Chờ đợi không cần thiết thường gây lãng phí, thậm chí là lãng phí lớn. Vì vậy, xem xét và loại bỏ lãng phí thời gian vô ích là điều cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Sự chờ đợi giữa các công đoạn trong quá trình sản xuất sẽ làm cho người lao động và máy móc thiết bị không được sử dụng tối ưu năng lực và công suất.

Thanh Tùng

Nguồn: https://vietq.vn/giam-thieu-lang-phi-giup-nang-cao-chat-luong-san-pham-cua-doanh-nghiep-d212217.html

Bài viết liên quan

Sửa đổi bổ sung nhóm sản phẩm chiếu sáng bằng công nghệ Led
TRUNG TÂM KỸ THUẬT TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG 1 VÀ TRUNG TÂM ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC
Hợp tác Việt – Đức về quang điện, thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững
Tiêu chuẩn quốc gia về thịt trâu, thịt bò mát nâng tầm công nghiệp chế biến
Lợi ích của doanh nghiệp khi đạt chứng nhận nhận ISO 28001 - Hệ thống quản lý bảo mật chuỗi cung ứng